►► Sơ lược lịch sử phát triển:
Thư viện Đại học Y Dược TP.HCM có tổng diện tích là 1.310 m2 với 05 phòng đọc và 551 chỗ ngồi. Trước năm 2019, Đại học Y Dược TP.HCM có 05 thư viện hoạt động riêng lẻ, bao gồm Thư viện Trung tâm, Thư viện khoa Dược, Thư viện khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, Thư viện khoa Y học Cổ truyền và Thư viện khoa Y tế Công cộng.
Tháng 5/2019, Đại học Y Dược TP.HCM tiến hành hợp nhất các thư viện riêng lẻ thành một thư viện thống nhất với tên gọi là Thư viện Đại học Y Dược TP.HCM.
►► Sứ mạng:
Phát triển, lưu trữ, khai thác hiệu quả nguồn thông tin phục vụ sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao của Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, đóng góp vào sự phát triển của hệ thống thư viện thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe trong cả nước.
►► Tầm nhìn:
Phát triển thành một thư viện thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe hàng đầu Việt Nam, ngang tầm các thư viện của các đại học lớn trong nước và khu vực.
►► Chức năng:
Thư viện là trung tâm thông tin, trung tâm văn hóa, khoa học của Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Thư viện có chức năng cung cấp tri thức và thông tin – tư liệu về lĩnh vực khoa học sức khỏe và các lĩnh vực khác có liên quan trong và ngoài nước, phục vụ cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng của trường. Thư viện có trách nhiệm tổ chức, quản lý, bổ sung, thu thập, bảo quản và tổ chức khai thác các loại tài liệu có trong Thư viện.
►► Nhiệm vụ:
1. Tham mưu giúp Hiệu trưởng xây dựng quy hoạch, kế hoạch hoạt động dài hạn và ngắn hạn của Thư viện; tổ chức điều phối toàn bộ hệ thống thông tin, tư liệu, thư viện trong Nhà trường.
2. Bổ sung, phát triển nguồn lực thông tin trong và ngoài nước đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Nhà trường; thu nhận các tài liệu do Nhà trường xuất bản, các công trình nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu, tài liệu hội thảo, khóa luận đại học, luận văn Thạc sĩ, luận văn tốt nghiệp Bác sĩ Nội trú, luận án Chuyên khoa cấp II, luận án Tiến sĩ của cán bộ, giảng viên, nhà nghiên cứu, học viên và sinh viên trong trường, chương trình đào tạo, giáo trình, tập bài giảng và các dạng tài liệu khác của Nhà trường, các ấn phẩm tài trợ, biếu tặng, tài liệu trao đổi giữa các thư viện.
3. Tổ chức xử lý, sắp xếp, lưu trữ, bảo quản, quản lý tài liệu; xây dựng hệ thống tra cứu thích hợp; thiết lập mạng lưới truy nhập và tìm kiếm thông tin tự động hóa; xây dựng các cơ sở dữ liệu; biên soạn, xuất bản các ấn phẩm thông tin theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức phục vụ, hướng dẫn cho bạn đọc khai thác, tìm kiếm, sử dụng hiệu quả nguồn tài liệu và các sản phẩm dịch vụ thông tin – thư viện thông qua các hình thức phục vụ của thư viện phù hợp với quy định của pháp luật.
5. Tổ chức, quản lý viên chức theo sự phân cấp của Hiệu trưởng; xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho nhân viên Thư viện để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả công tác.
6. Mua sắm, tổ chức sử dụng, quản lý tài sản, trang thiết bị Thư viện.
7. Bảo quản, kiểm kê định kỳ vốn tài liệu, cơ sở vật chất kỹ thuật và tài sản khác của Thư viện; tiến hành thanh lọc ra khỏi kho các tài liệu lạc hậu, hư nát theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
8. Nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và công nghệ thông tin vào công tác Thư viện.
9. Đặt quan hệ hợp tác với các đơn vị ngoài trường, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế. Phối hợp chặt chẽ với các khoa, trung tâm, đơn vị và các phòng ban chức năng trong trường để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
10. Thực hiện báo cáo tình hình hoạt động hằng tháng, hằng năm và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của các cấp có thẩm quyền.
►► Quyền hạn:
1. Quản lý và sử dụng vốn tài liệu, văn phòng, trang thiết bị và tài sản khác do Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh giao quản lý.
2. Tham gia trao đổi tài liệu với thư viện, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước sau khi có ý kiến đồng ý của Hiệu trưởng. Việc tiến hành trao đổi tài liệu với thư viện, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải theo quy định của pháp luật về việc xuất và nhập văn hóa phẩm không thuộc phạm vi kinh doanh.
3. Tham gia hội nghề nghiệp trong nước và quốc tế về thư viện theo quy định của pháp luật.
4. Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học khu vực và quốc tế; các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn; tiếp nhận tài trợ, viện trợ của thư viện, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
5. Tham gia vào các mạng thông tin – thư viện trong nước và nước ngoài; việc tham gia vào các mạng thông tin – thư viện phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng các mạng máy tính và dịch vụ Internet.
6. Tổ chức các hoạt động dịch vụ có thu phù hợp với quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ được giao.
7. Từ chối phục vụ tài liệu trái pháp luật và nội quy, quy chế của Thư viện; từ chối phục vụ bạn đọc vi phạm nội quy, quy chế của Thư viện.
►► Đối tượng phục vụ:
Đối tượng phục vụ chính của Thư viện là giảng viên, nhân viên, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên, nhà nghiên cứu khoa học thuộc Nhà trường. Nếu có điều kiện, Thư viện có thể phục vụ đối tượng bạn đọc ngoài Nhà trường và được phép thu phí dịch vụ theo quy định.