Thứ tư, Ngày: 16/10/2024

Thống kê truy cập

1.081.102

: 7.024

1. Quy định phát triển vốn tài liệu Thư viện Đại học Y Dược TP.HCM được ban hành kèm theo Quyết định số 693/QĐ-ĐHYD ngày 14/04/2020 của Hiệu trưởng Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

►► Tải văn bản gốc tại đây

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Văn bản này quy định việc phát triển vốn tài liệu Thư viện nhằm đảm bảo việc lựa chọn, bổ sung tài liệu cho Thư viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Thư viện) một cách khách quan, phù hợp với chương trình đào tạo (sau đây gọi tắt là CTĐT) và hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường.

2. Quy định trách nhiệm của các cá nhân, tập thể trong việc lựa chọn tài liệu; quy định về ngân sách bổ sung tài liệu và thống nhất các thủ tục về việc lựa chọn tài liệu nhằm đảm bảo sự thuận lợi và chính xác trong việc bổ sung tài liệu.

Điều 2. Cá nhân và tập thể có trách nhiệm trong hoạt động lựa chọn tài liệu

1. Các khoa/ bộ môn, trung tâm và đơn vị thuộc, trực thuộc

- Các khoa/ bộ môn, trung tâm và đơn vị thuộc, trực thuộc Nhà trường có vai trò chủ đạo trong việc lựa chọn tài liệu cho Thư viện vì chỉ có cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu khoa học của từng chuyên ngành mới có những am hiểu sâu sắc về nội dung của chuyên ngành đó.

- Trưởng, phó các khoa/ bộ môn, trung tâm và đơn vị thuộc, trực thuộc; cán bộ giảng dạy và cán bộ nghiên cứu khoa học của các khoa/ bộ môn, trung tâm và đơn vị thuộc, trực thuộc chịu trách nhiệm hỗ trợ Thư viện trong việc lựa chọn tài liệu.

2. Thư viện

Thư viện giữ vai trò lớn trong việc lựa chọn tài liệu bởi các lý do sau đây:

- Nhân viên Thư viện có kinh nghiệm về nội dung vốn tài liệu, cũng như CTĐT của Nhà trường, hoàn toàn có khả năng hỗ trợ các khoa/ bộ môn, trung tâm và đơn vị thuộc, trực thuộc trong việc lựa chọn tài liệu.

- Thư viện cần phải ra quyết định bổ sung theo từng lĩnh vực, loại hình tài liệu nhằm đảm bảo sự cân đối của vốn tài liệu Thư viện (sự cân đối dựa trên tỷ lệ sinh viên, học viên của từng ngành học).

- Thư viện trường là một thư viện chuyên ngành, bên cạnh việc bổ sung tài liệu theo chuyên ngành còn phải chú trọng phát triển vốn tài liệu nhằm phục vụ nhu cầu mở rộng kiến thức, giải trí của người dùng tin. Do đó, Thư viện có nhiệm vụ bổ sung những tài liệu này dựa trên yêu cầu bổ sung thông qua khảo sát nhu cầu bổ sung tài liệu của người dùng tin.

Yêu cầu nhân viên Thư viện phụ trách việc lựa chọn tài liệu phải luôn cập nhật về CTĐT của Nhà trường để hỗ trợ công tác lựa chọn tài liệu.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Ấn phẩm định kỳ: là tài liệu được xuất bản theo định kỳ như báo, tạp chí, và bản tin. Các loại tài liệu này được xuất bản theo tuần, tháng, quý, năm, v.v.

2. Giáo trình: là tài liệu chính được giảng viên; sinh viên, học viên sử dụng trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Sách giáo trình cụ thể hóa các yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng cơ bản, chuẩn đầu ra đã ban hành đối với mỗi môn học, ngành đào tạo, trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu về phương pháp giáo dục, kiểm tra và đánh giá chất lượng đào tạo, có nội dung phù hợp với nội dung của CTĐT đã được Hiệu trưởng phê duyệt.

3. Sách chuyên khảo: là sách có nội dung chủ yếu từ các kết quả nghiên cứu sâu và tương đối toàn diện về một lĩnh vực hay chủ đề nghiên cứu của chuyên gia trình độ cao, trong đó chủ biên phải có đóng góp ít nhất 25% kết quả nghiên cứu do chính chủ biên thực hiện. Sách được sử dụng giảng dạy, nền tảng nghiên cứu chuyên sâu hay tra cứu các vấn đề chuyên sâu.

4. Tài liệu tham khảo: là tài liệu được biên soạn dưới dạng bài giảng, tài liệu biên dịch, tài liệu dịch và tài liệu có nội dung phù hợp với học phần trong CTĐT hiện hành.

5. Tài liệu tra cứu – hướng dẫn: là tài liệu được biên soạn sử dụng trong việc hướng dẫn thí nghiệm, hướng dẫn đồ án môn học, hướng dẫn thực hành, hướng dẫn giải bài tập mẫu, báo cáo chuyên đề, sách bài tập, từ điển chuyên ngành, sổ tay tra cứu.v.v. và tài liệu sử dụng nhằm mục đích phục vụ đào tạo và quản lý đào tạo.

6. Tài liệu học tập: Bao gồm các tài liệu được liệt kê trong danh mục nguồn học liệu trong mỗi đề cương chi tiết môn học của các CTĐT hiện hành (ngoài giáo trình).

7. Tài liệu hỗ trợ học tập và giảng dạy: Bao gồm tài liệu có nội dung tương tự giáo trình nhưng chưa được xuất bản chính thức, dùng thống nhất trong giảng dạy, được lưu hành nội bộ và được Hiệu trưởng giao cho các khoa/ bộ môn biên soạn trong các trường hợp chưa đủ điều kiện biên soạn giáo trình chính thức và cần phải có thêm thời gian để bổ sung hoàn thiện và có thể viết thành giáo trình; đề cương, giáo án, ngân hàng đề thi, băng hình phục vụ các khóa học.v.v.

8.Tài liệu nội sinh (còn được gọi là tài liệu xám, tài liệu không công bố.v.v.) là những tài liệu được hình thành trong quá trình hoạt động khoa học kỹ thuật, sản xuất, quản lý, nghiên cứu, học tập của các cơ quan, tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học.v.v..Tài liệu nội sinh phản ánh đầy đủ, có hệ thống về các thành tựu, tiềm lực cũng như hướng phát triển của đơn vị và thường được lưu giữ ở các thư viện và trung tâm thông tin của đơn vị đó. Tài liệu nội sinh được chia thành 03 nhóm: Nhóm tài liệu đã xuất bản, nhóm tài liệu chưa xuất bản và nhóm tài liệu hỗ trợ học tập và giảng dạy. Tài liệu nội sinh trong các trường đại học thường là luận văn, luận án, khóa luận, công trình nghiên cứu khoa học; sách, tạp chí, tập san, nội san khoa học; kỷ yếu hội nghị, hội thảo; bài báo khoa học; tài liệu đào tạo liên tục và tài liệu tập huấn, các tài liệu hỗ trợ học tập và giảng dạy.v.v.

Điều 4. Tiêu chí lựa chọn tài liệu

Các cá nhân, tập thể có trách nhiệm lựa chọn tài liệu cần dựa trên những tiêu chí sau đây để chọn một tài liệu cho Thư viện.

1. Tính phù hợp, tính khoa học

a) Nội dung, chủ đề của tài liệu phải phục vụ CTĐT của Nhà trường. Đối tượng phục vụ chính của tài liệu là sinh viên, học viên, giảng viên hoặc cán bộ nghiên cứu khoa học của trường.

b) Vốn tài liệu Thư viện theo từng chuyên ngành được phát triển theo thứ tự ưu tiên sau:

- Bổ sung giáo trình và tài liệu học tập phục vụ chương trình học tập, giảng dạy của từng chuyên ngành đào tạo.

- Bổ sung sách chuyên khảo, tài liệu tham khảo của từng lĩnh vực, nhằm tạo điều kiện cho người đọc mở rộng phạm vi nghiên cứu cũng như tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực đó.

- Bổ sung tài liệu tra cứu – hướng dẫn cho từng chuyên ngành: bách khoa toàn thư, từ điển chuyên ngành, từ điển ngôn ngữ, niên giám, tài liệu thống kê.v.v.

- Bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các văn kiện của Đảng và Nhà nước về đường lối, chính sách, nhiệm vụ, phương hướng phát triển kinh tế xã hội, khoa học và công nghệ của Việt Nam, cũng như các nước khác trên thế giới; các tài liệu chỉ đạo điều hành, hướng dẫn các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật.v.v.liên quan đến từng chuyên ngành đào tạo; các tài liệu phục vụ đào tạo và quản lý đào tạo.

- Bổ sung tài liệu phổ cập kiến thức.

2. Tính đáng tin cậy

Ưu tiên lựa chọn những tài liệu của các nhà xuất bản khoa học, chuyên ngành hoặc các nhà xuất bản, phát hành tin cậy. Người lựa chọn cũng có thể dựa vào danh tiếng, trình độ khoa học của tác giả, người biên tập, người hiệu đính.v.v.

3. Tính cập nhật

Tài liệu được lựa chọn phải đảm bảo tính mới về mặt khoa học.

4. Về ngôn ngữ

Thư viện ưu tiên bổ sung tài liệu tiếng Việt và tiếng Anh nhằm phục vụ đa số người đọc. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo đa ngôn ngữ trong vốn tài liệu Thư viện, việc bổ sung tài liệu tiếng nước ngoài khác cũng cần được quan tâm.

5. Về dạng thức tài liệu

Thư viện bổ sung song song cả hai dạng thức tài liệu truyền thống (như sách, báo, tạp chí, luận văn, luận án, khóa luận và công trình nghiên cứu khoa học) và tài liệu điện tử (như sách điện tử (e-book), tạp chí điện tử (e-Journal), cơ sở dữ liệu toàn văn trực tuyến (databases) và tài liệu nghe nhìn khác) theo hướng ưu tiên phát triển nguồn tài liệu điện tử của Thư viện.

Điều 5. Ngân sách bổ sung tài liệu cho Thư viện

1. Kinh phí bổ sung tài liệu hằng năm do Nhà trường cấp dựa trên dự toán kinh phí bổ sung tài liệu hằng năm của Thư viện.

2. Lựa chọn tài liệu bổ sung hằng năm được phân chia theo tỷ lệ: các khoa, trung tâm đào tạo lựa chọn 65%/ tổng ngân sách. Thư viện lựa chọn 35%/ tổng ngân sách. Tổng ngân sách bổ sung tài liệu hằng năm cho Thư viện được tính 50.000đ/ sinh viên và 100.000đ/học viên sau đại học (khoản tiền thư viện được thu vào đầu năm học).

Kinh phí bổ sung tài liệu hằng năm của Thư viện được tính như sau:

- Tổng kinh phí bổ sung tài liệu cho Thư viện trong năm học (K):

K = (Tổng số sinh viên của Trường năm 20XX x 50.000đ) + (Tổng số học viên của năm 20XX x 100.000đ)

- Kinh phí bổ sung tài liệu của từng khoa, trung tâm đào tạo theo số lượng sinh viên và học viên sau đại học:

Ví dụ: K1 = (Tổng số sinh viên của khoa 1 trong năm x 50.000đ) + (Tổng số học viên sau đại học của khoa 1 trong năm x 100.000đ) x 65%

- Kinh phí bổ sung tài liệu của Thư viện là: Ktv = 35% K

3. Đối với trường hợp Thư viện mua bổ sung các loại tài liệu tại Điều 5, Khoản 1, Điểm f của Quy định này, Phòng Kế hoạch Tài chính có trách nhiệm thanh toán kinh phí cho các cá nhân, đơn vị chịu trách nhiệm xuất bản, biên soạn tài liệu.

CHƯƠNG II

LOẠI HÌNH TÀI LIỆU, HÌNH THỨC VÀ THỦ TỤC

BỔ SUNG TÀI LIỆU

Điều 6. Sách và tài liệu nghe nhìn

1. Đối với bổ sung định kỳ

a) Trường hợp 1: Thư viện nhận danh mục tài liệu mới từ nhà xuất bản, công ty phát hành sách.

- Bước 1: Thư viện liên hệ với các nhà xuất bản, công ty phát hành sách để nhận danh mục tài liệu mới theo định kỳ 01 lần /năm: từ ngày 01 đến ngày 07/12 hằng năm.

- Bước 2:

+ Nhân viên Thư viện gửi danh mục tài liệu (đã phân chia theo chuyên ngành) đến các khoa/ bộ môn và trung tâm và đơn vị thuộc, trực thuộc trường.

+ Các Trưởng khoa/ bộ môn và trung tâm và đơn vị thuộc, trực thuộc trường có trách nhiệm chính trong việc hỗ trợ Thư viện lựa chọn tài liệu và gửi danh mục tài liệu đề nghị bổ sung về Thư viện (biểu mẫu ĐHYD-TV/QT.03/BM.02).

- Bước 3:

+ Sau 07 ngày (kể từ ngày gửi danh mục) Thư viện sẽ nhận lại danh mục tài liệu đề nghị bổ sung của các khoa/ bộ môn, trung tâm và đơn vị thuộc, trực thuộc trường (bản in). Sau đó tiến hành tra trùng tài liệu (nhằm đảm bảo tài liệu đề nghị bổ sung sẽ không trùng với những tài liệu đã có sẵn) trong các cơ sở dữ liệu của Thư viện.

+ Thư viện phản hồi cho các đơn vị kết quả rà soát tài liệu sau 14 ngày kể từ khi nhận lại danh mục.

- Bước 4:

+ Thư viện tiến hành gửi danh mục tài liệu đề nghị bổ sung cho các nhà cung cấp để báo giá vào đầu tháng 06 hằng năm.

+ Trong vòng 14 ngày làm việc, Thư viện phải nhận được báo giá từ nhà cung cấp.

- Bước 5:

+ Nhân viên Thư viện lập danh mục tài liệu đề nghị đặt mua và gửi về các đơn vị yêu cầu bổ sung. Trong vòng 07 ngày làm việc, các đơn vị có trách nhiệm ký xác nhận danh mục tài liệu đề nghị đặt mua và gửi về Thư viện (bản giấy).

- Bước 6: Thư viện tiến hành trình Ban Giám hiệu và phòng Quản trị Giáo tài phê duyệt danh mục tài liệu đề nghị đặt mua trong vòng 07 ngày làm việc.

- Bước 7: Sau khi Thư viện nhận lại danh mục tài liệu đề nghị đặt mua đã được Ban Giám hiệu phê duyệt thì phối hợp với phòng Quản trị Giáo tài tiến hành thủ tục đặt mua tài liệu.

b) Trường hợp 2: Thư viện bổ sung tài liệu dựa trên chương trình giảng dạy của khoa.

- Vào tháng 5 hằng năm, sau khi nhận được Đề cương chi tiết môn học đã được chỉnh sửa, cập nhật từ Phòng Đào tạo Đại học, Thư viện tiến hành lập danh mục giáo trình, tài liệu tham khảo theo CTĐT.

- Dựa trên đề cương này, Thư viện sẽ tiến hành các bước 3, 4, 5, 6 và 7 tại Điều 5, Khoản 1, Điểm a của Quy định này.

c) Trường hợp 3: Cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học đề xuất tài liệu để bổ sung cho Thư viện.

Đầu tháng 5 hằng năm, nhân viên Thư viện tiến hành thu thập các yêu cầu bổ sung tài liệu từ các cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở các khoa/ bộ môn, trung tâm và đơn vị thuộc, trực thuộc (theo biểu mẫu ĐHYD-TV/QT.03/BM.02) của Thư viện bằng 02 đường email và hành chính. Sau khi thu thập, Thư viện sẽ tiến hành các bước 3, 4, 5, 6 và 7 tại Điều 5, Khoản 1, Điểm a của Quy định này.

d) Triển lãm sách tại Thư viện.

Thư viện có thể liên kết với các nhà xuất bản, công ty phát hành sách tổ chức triển lãm tài liệu tại Thư viện. Thư viện gửi thư mời đến cán bộ giảng dạy của các khoa, trung tâm đào tạo đến tham dự triển lãm. Cán bộ giảng dạy có thể lựa chọn bổ sung tài liệu cho Thư viện thông qua các buổi triển lãm này.

Tại các buổi triển lãm, Thư viện sẽ bố trí nhân viên phát phiếu yêu cầu bổ sung tài liệu cho cán bộ giảng dạy. Sau đó, Thư viện sẽ tổng hợp các phiếu yêu cầu (theo mẫu ĐHYD-TV/QT.03/BM.02) và lập danh mục chuyển đến các Trưởng khoa/ bộ môn, trung tâm và đơn vị thuộc, trực thuộc để ký. Sau đó, Thư viện sẽ tiến hành các bước 6 và 7 tại Điều 5, Khoản 1, Điểm a của Quy định này.

e) Trường hợp 5: Bổ sung tài liệu theo yêu cầu của sinh viên, học viên.

- Yêu cầu bổ sung tài liệu của sinh viên, học viên được Thư viện tập hợp lại thông qua: Phiếu khảo sát, trang thông tin điện tử của Thư viện, phiếu đề nghị bổ sung tài liệu (theo mẫu ĐHYD-TV/QT.03/BM.01)…Trên cơ sở này, Thư viện lập danh mục tài liệu đề nghị đặt mua và tiến hành bước 3, 4, 5, 6 và 7 tại Điều 5, Khoản 1, Điểm a của Quy định này.

- Yêu cầu bổ sung của sinh viên được tập hợp và tiến hành bổ sung theo định kỳ 01 lần/ năm từ ngày 01 đến ngày 07/05 hằng năm.

f) Trường hợp 6: Giáo trình và các loại tài liệu khác do các khoa/ bộ môn, trung tâm và đơn vị thuộc, trực thuộc hoặc các cán bộ, giảng viên của Nhà trường biên soạn hoặc xuất bản.

- Các khoa/ bộ môn, trung tâm và đơn vị thuộc, trực thuộc hoặc cán bộ, giảng viên của Nhà trường nộp lưu chiểu về Thư viện:

+ Đối với các giáo trình được Nhà trường hỗ trợ kinh phí xuất bản lần đầu: nộp lưu chiểu ấn phẩm về cho Thư viện 02 bản in và 01 đĩa CD chứa file toàn văn giáo trình.

+ Đối với các giáo trình tái bản và các loại tài liệu khác không được Nhà trường hỗ trợ kinh phí xuất bản: nộp lưu chiểu ấn phẩm về cho Thư viện 01 bản in.

+ Đối với các tài liệu lưu hành nội bộ: nộp lưu chiểu về cho Thư viện ít nhất 10 bản in và 01 đĩa CD/DVD chứa file toàn văn tài liệu.

+ Thời gian nộp lưu chiểu: Chậm nhất 01 tuần kể từ khi các giáo trình, tài liệu học tập và các loại tài liệu khác được xuất bản, các cá nhân, đơn vị có liên quan phải nộp tài liệu về cho Thư viện.

- Thư viện mua bổ sung:

+ Số lượng bổ sung: theo quy định tại Điều 10 của Quy định này.

+ Hằng năm, các khoa/ bộ môn, trung tâm và đơn vị thuộc, trực thuộc nộp danh mục các ấn phẩm đã xuất bản hoặc biên soạn của đơn vị về Thư viện qua email library@ump.edu.vn (theo mẫu Phụ lục 1) theo định kỳ 02 lần/ năm: kỳ 01 (từ 01 – 07/07 hằng năm) và kỳ 02 (từ ngày 25 – 31/12 hằng năm).

+ Sau khi nhận được danh mục các ấn phẩm đã xuất bản hoặc biên soạn của các đơn vị, Thư viện tiến hành lập danh mục tài liệu đề nghị đặt mua (theo mẫu Phụ lục 2) và trình Ban Giám hiệu phê duyệt.

+ Thư viện nhận danh mục tài liệu đề nghị đặt mua đã được Ban Giám hiệu phê duyệt và gửi về các đơn vị đã biên soạn hoặc xuất bản ẩn phẩm để đặt mua. Các đơn vị cung cấp tài liệu cho Thư viện theo đúng số lượng mà Thư viện đăng ký.

+ Thư viện phối hợp với Phòng Kế hoạch Tài chính để tiến hành thủ tục thanh toán kinh phí đặt mua tài liệu cho các đơn vị.

- Địa điểm tiếp nhận lưu chiểu tài liệu: Thư viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh – Số 217, đường Hồng Bàng, phường 11, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh – Điện thoại: (+84) 028 38 555 616.

2. Đối với bổ sung đột xuất

Ngoài các trường hợp bổ sung định kỳ, Thư viện có thể tiếp nhận và xử lý các yêu cầu bổ sung tài liệu đột xuất phát sinh trong quá trình giảng dạy môn học từ giảng viên của trường. Sau khi nhận được yêu cầu bổ sung từ các giảng viên, Thư viện tiến hành thực hiện các bước  Điều 5, Khoản 1, Điểm c của Quy định này.

Điều 7. Ấn phẩm định kỳ

1. Các ấn phẩm định kỳ (báo và tạp chí), đặc biệt là các tạp chí khoa học là nguồn tài nguyên rất quan trọng đối với một thư viện đại học. Do đó, Thư viện có chính sách đặt mua dài hạn (01 năm) báo, tạp chí khoa học thuộc các lĩnh vực trường đào tạo. Ngoài ra, nhằm nâng cao kiến thức và cập nhật thông tin cho bạn đọc, Thư viện cũng thường xuyên bổ sung báo, tạp chí phổ thông tiêu biểu.

2. Theo định kỳ vào tháng 12 hằng năm, Thư viện sẽ tiến hành xem xét lại các tên ấn phẩm định kỳ đã bổ sung trong năm vừa qua và xem xét các yêu cầu mới về bổ sung các tên ấn phẩm khác. Danh mục đề xuất đặt mua ấn phẩm định kỳ sẽ được trình lên Ban Giám hiệu phê duyệt.

Điều 8. Tài liệu nội sinh

1. Đối với các loại tài liệu nội sinh như luận văn, luận án, khóa luận, công trình nghiên cứu khoa học, kỷ yếu hội nghị, hội thảo, tạp chí, tập san, nội san khoa học, tài liệu đào tạo liên tục và tài liệu tập huấn, bài báo khoa học được nộp lưu chiểu về Thư viện theo Quyết định số 849/QĐ-ĐHYD ngày 30/03/2018 của Hiệu trưởng Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh về việc ban hành Quy định nộp lưu chiểu.

2. Đối với sách và các loại tài liệu khác do các khoa/ bộ môn, trung tâm và đơn vị thuộc, trực thuộc hoặc các cán bộ, giảng viên của Nhà trường biên soạn hoặc xuất bản; tài liệu hỗ trợ học tập và giảng dạy thì thực hiện theo Điều 5, Khoản 1, Điểm f của Quy định này.

Điều 9. Sách điện tử (e-books), tạp chí điện tử (e-Journal) và Cơ sở dữ liệu (Databases):

Do có sự khác biệt lớn giữa tài liệu truyền thống và tài liệu điện tử, tài liệu số nên phương thức bổ sung và việc lựa chọn các sách điện tử và cơ sở dữ liệu luôn mang tính đặc thù.

1. Phương thức bổ sung

Sách điện tử thường được các nhà cung cấp giới thiệu đến các thư viện theo các gói khác nhau: Đặt mua quyền truy cập từng cuốn sách điện tử, một bộ sưu tập sách điện tử hoặc cơ sở dữ liệu toàn văn trực tuyến về một hoặc nhiều lĩnh vực nhất định. Do tính rộng lớn về phạm vi nội dung của tài liệu, Thư viện cần đề xuất trực tiếp với Hiệu trưởng để tiến hành đặt mua quyền truy cập các bộ sưu tập này.

Việc bổ sung tài liệu này được tiến hành như quy trình bổ sung tài liệu giấy. Tuy nhiên, Thư viện cần xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn nguồn tài liệu này và trình Hiệu trưởng duyệt.

2. Tiêu chuẩn lựa chọn

Việc lựa chọn sách điện tử, tạp chí điện tử, cơ sở dữ liệu cần chú ý những vấn đề sau:

- Giấy phép, điều khoản và điều kiện sử dụng.

- Giá cả của bản điện tử so với bản in (nếu có).

- Sở hữu trí tuệ.

- Tốc độ truy cập, truy cập đồng thời…

- Hỗ trợ kỹ thuật và tập huấn sử dụng.

- Việc liên kết, hợp tác với các tổ chức nghề nghiệp trong việc đặt mua tài liệu.

Điều 10. Tài liệu nhận tặng từ các cá nhân, tổ chức bên ngoài

Thư viện có trách nhiệm tiếp nhận có chọn lọc tài liệu do các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước tặng cho Thư viện. Thư viện có quyền loại bỏ các tài liệu không còn giá trị đối với nhu cầu bạn đọc hoặc tài liệu mà Thư viện đã có đủ số lượng bản.

Điều 11. Số lượng tài liệu mua bổ sung

Ngoài số lượng tài liệu nộp lưu chiểu được quy định tại Điều 5, Khoản 1, Điểm f của Quy định này, tùy theo loại hình tài liệu và mục đích sử dụng, Thư viện tiến hành mua bổ sung với số lượng như sau:

1. Đối với giáo trình: bổ sung tối đa 50 bản/ 01 tựa sách.

2. Đối với sách chuyên khảo: bổ sung tối đa 10 bản/ 01 tựa sách.

3. Đối với tài liệu tra cứu, hướng dẫn: bổ sung tối đa 03 bản/ 01 tựa tài liệu.

4. Đối với tài liệu tham khảo: bổ sung tối đa 20 bản/ 01 tựa tài liệu.

5. Đối với báo, tạp chí: bổ sung 01 bản/01 số/01 nhan đề.

CHƯƠNG III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Tổ chức thực hiện

1. Thư viện là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển vốn tài liệu Thư viện nhằm đảm bảo tài liệu được bổ sung đúng diện, chính xác, kịp thời, đáp ứng được nhu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học tại trường và tránh lãng phí.

2. Phòng Kế hoạch Tài chính có trách nhiệm thanh toán kinh phí bổ sung tài liệu cho Thư viện theo đúng Quy chế chi tiêu nội bộ của trường và các quy định của pháp luật.

3. Các khoa/ bộ môn, phòng, trung tâm và đơn vị thuộc, trực thuộc, các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp với Thư viện trong hoạt động bổ sung tài liệu cho Thư viện.

Điều 13. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc có vấn đề mới phát sinh các đơn vị, cá nhân phản ánh về Thư viện, Thư viện có trách nhiệm báo cáo Ban Giám hiệu xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

HIỆU TRƯỞNG

(đã ký)

 

 

PGS.TS. Trần Diệp Tuấn

2. Quy định nộp lưu chiểu tài liệu về Thư viện Đại học Y Dược TP.HCM tại đây